Nhà báo Đức Nguyễn: ‘Faker chỉ là thằng trẻ trâu nghiện game chưa học hết cấp 3, nó có gì ghê gớm mà người ta nâng bi như idol chứ’
Nếu bóng đá có thiên tài Lionel Messi thì nhắc đến eSport (thể thao điện tử), không ai không biết tới “Quỷ vương bất diệt” Faker với kỹ năng thượng thừa trong bộ môn mình theo đuổi. Tuy vậy, nhà báo Đức Nguyễn lại thẳng thừng chê bai Faker.
Lee “Faker” Sang Hyeok nổi tiếng đến mức khó tin.
Người ta cá rằng, nếu hỏi giới trẻ ở độ tuổi teen cho đến đôi mươi ở Hàn Quốc có biết tượng đài Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) Faker hay Lee Sang Hyeok là ai không, 9/10 người sẽ gật đầu.
Ngay cả những ngôi sao nổi tiếng ở xứ kim chi cũng là fan (người hâm mộ) và rất háo hức khi được gặp anh.
Faker từng đóng quảng cáo với danh thủ bóng đá châu Á – Son Heung Min – và được so sánh với nhóm nhạc Kpop BTS về tầm ảnh hưởng văn hóa.
Năm 2017, một đài truyền hình Hàn Quốc thực hiện bộ phim tài liệu Ronaldo X Faker: The Phenom, so sánh cuộc đời Faker và cựu siêu sao bóng đá Brazil – Ronaldo “béo”. Thoạt nhìn, hai người này tưởng chừng không có điểm chung, nhưng họ đều sử dụng tài năng thiên phú để trở thành những vị vua không thể bàn cãi trong môn thể thao của mình.
Ở tuổi 27, Faker có mọi thứ bất cứ vận động viên eSport nào cũng khao khát. Anh được mệnh danh là “GOAT” (người vĩ đại nhất mọi thời đại) của làng LMHT, có bộ sưu tập danh hiệu trọn vẹn khi 3 lần vô địch thế giới, 10 lần nâng cúp LCK của “ông lớn” LMHT Hàn Quốc và thu nhập hàng năm khoảng 6,2 triệu USD (hơn 150 tỷ đồng).
Cách đây ít ngày, Faker vừa bổ sung vào bảng thành tích tấm huy chương vàng tại Asiad 19, nối dài di sản to lớn của mình trong một thập kỷ thi đấu chuyên nghiệp.
Huyền thoại ra đời
Faker SN 1996 tại Seoul, Hàn Quốc. Anh được nuôi dưỡng bởi người cha đơn thân làm nghề thợ mộc – ông Lee Kyung Joon – và ông bà.
Ngày nhỏ, Faker là đứa trẻ hướng nội, thường lui đến khu trò chơi điện tử gần nhà ở Gangseo cùng bạn bè. Lớn hơn, anh chơi game (điện tử) trên máy tính, thường “cày” các trò như Maplestory, Warcraft 3.
Faker tình cờ biết đến LMHT vào cuối năm 2011, khi đang lướt web. Dưới cái tên “GoJeonPa”, anh bắt đầu những trận xếp hạng đầu tiên của mình ở mùa giải 2012 và nhanh chóng đạt thành tích cao hơn hầu hết tuyển thủ chuyên nghiệp chơi cho Hàn Quốc vào thời điểm đó.
Nhiều người bàn tán xôn xao về top 1 trên bảng xếp hạng, đồn đoán đó là một tay “smurf” (cao thủ chơi tài khoản có thứ hạng thấp) hay tuyển thủ chuyên nghiệp người nước ngoài chơi trên máy chủ Hàn Quốc. Chỉ có Faker là vẫn ung dung vì anh vốn dĩ “chơi cho vui”.
“Thú thực, tôi không biết mình giỏi đến thế. Mọi người xung quanh cứ khen giỏi thì tôi biết vậy, chứ chưa bao giờ tôi tự đánh giá về bản thân”, Faker từng chia sẻ trên tạp chí NSports.
Faker tại “Giải vô địch thế giới LMHT 2013” – nơi anh giành chức vô địch thế giới đầu tiên cùng T1 (Ảnh: Riot Games).
Cuối năm 2012, Faker nhận được một cuộc gọi khiến cuộc đời anh thay đổi mãi mãi. Tổ chức thể thao điện tử Hàn Quốc SK Telecom nói về khả năng chiêu mộ anh vào đội tuyển LMHT của họ.
Sau một hồi suy nghĩ, Faker quyết định bỏ học cấp 3 để theo đuổi con đường game thủ chuyên nghiệp. May mắn thay, gia đình anh hoàn toàn ủng hộ, đặc biệt là bố. Thậm chí, giáo viên của Faker cũng không ngăn cản dù thời cấp 2, anh có thành tích thuộc 10% của lớp.
“Tôi chỉ nghĩ nếu mình không để con làm những gì nó muốn, có lẽ sau này sẽ phải hối hận. Lúc đấy, tôi thấy thằng bé cũng có năng khiếu”, ông Lee Kyung Joon từng nói với ESPN.
Ít ai ngờ chỉ vài tháng sau cái gật đầu của chàng trai Lee Sang Hyeok, tuyển thủ LMHT xuất sắc nhất thế giới Faker đã ra đời.
Cùng đồng đội ở SKT T1 (tiền thân của T1), Faker liên tục gặt hái những thành tích vô tiền khoáng hậu. Anh 3 lần xưng vương ở giải vô địch LMHT thế giới (năm 2013, 2014, 2016), vô địch Mid-Season Invitational 2 năm liên tiếp (2016, 2017), 10 lần vô địch giải quốc nội.
Dustin Beck – cựu phó chủ tịch của Riot Games – từng gọi Faker là “Michael Jordan của làng LMHT”. Anh được cánh phóng viên eSport công nhận là tuyển thủ chuyên nghiệp hay nhất. Ngôi sao giải nghệ Maknoon cũng ví anh là “Messi của LMHT”.
Cái tên “Quỷ vương bất diệt” được tượng đài đường giữa Cool của OMG dành cho Faker đầy thán phục, khi chứng kiến anh thi đấu quá “out trình” (người có khả năng và trình độ vượt trội hơn so với đối thủ).
Thiên tài cũng cần nỗ lực
Đã quá quen với sự tung hô trong 10 năm qua, nhưng con đường Faker đi đôi khi cũng không phải trải toàn hoa hồng.
Lần hiếm hoi người hâm mộ thấy những giọt nước mắt bất lực của “Quỷ vương bất diệt” là ở giải vô địch LMHT thế giới năm 2017, khi SKT T1 gục ngã trước kình địch Samsung Galaxy tại trận chung kết.
“Tôi từng chứng kiến con trai có vài trận đấu khó khăn, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy thằng bé bật khóc”, bố anh kể.
Trong một thời gian ngắn vào năm 2018, Faker cũng từng bị chỉ trích vì phong độ sa sút, khiến anh phải gặp bác sĩ tâm lý thể thao để được giúp đỡ.
Cảnh tượng Faker bật khóc khi thất bại ở “Giải vô địch thế giới LMHT 2017” in sâu vào tâm trí người hâm mộ (Ảnh: Riot Games).
Đã 7 năm kể từ lần cuối chạm tay vào cúp vô địch thế giới, Faker vẫn chưa thể sống lại giây phút vinh quang. Có lần, truyền thông đặt câu hỏi “Faker đã già?”, nhưng anh không nghĩ vậy.
Faker muốn xóa bỏ định kiến “game thủ chuyên nghiệp nên giải nghệ ở độ tuổi 25”. Nhiều năm trước, anh từng cho biết sẽ tiếp tục chơi game đến năm 27 tuổi, thậm chí là hơn nữa.
Kết quả là một thập kỷ trôi qua, ngay cả khi hàng trăm tuyển thủ khác đã đến và đi, Faker vẫn ở đó, vẫn là số 1.
Chắc chắn không dễ dàng để người đi đường giữa Hàn Quốc giữ được danh xưng “GOAT” vì anh không giành được danh hiệu thế giới nào kể từ năm 2016.
“Lúc đầu, tôi cảm thấy gánh nặng khi được gọi là “GOAT”. Nhưng khi không còn quan tâm đến việc người khác nhìn nhận mình như thế nào, tôi lại cảm thấy rất tự hào khi có được danh hiệu đó”, Faker từng nói.
Điều gì tạo nên thành công của Faker? Tài năng thiên phú hay nỗ lực không biết mệt mỏi? Câu trả lời là tài năng thôi thì chưa đủ.
Trong bài phỏng vấn hồi đầu năm, Faker tiết lộ với Korea Joongang Daily rằng, anh tập luyện khoảng 10 tiếng/ngày, từ trưa đến 3-4h sáng hôm sau. Trước những trận quan trọng như chung kết khu vực hay thế giới, con số này tăng lên 15.
Bên cạnh đó, Faker ít sử dụng mạng xã hội vì muốn duy trì sự tập trung để thi đấu. Anh tin rằng, hai chậu hoa trong nhà giúp mình giảm bớt căng thẳng và đối phó với lịch trình bận rộn.
Trước mỗi giải đấu lớn, Faker thường tập luyện tới 15 tiếng/ngày (Ảnh: Riot Games).
Giàu nhưng sống đạm bạc, có cả tòa nhà tên mình
Faker là một trong số tuyển thủ LMHT xuất sắc nhất mọi thời đại, không có gì ngạc nhiên khi điều này đi kèm với rất nhiều giải thưởng. Anh chưa bao giờ tiết lộ mức lương của mình, nhưng con số ước tính rơi vào khoảng 5-7 tỷ won/năm (hơn 92-130 tỷ đồng), chưa kể tiền thưởng, quảng cáo, donate (ủng hộ)… Từ năm 2020, anh còn có cổ phần trong T1.
Tính đến tháng 8 năm nay, Faker kiếm được khoảng 1,47 triệu USD (hơn 35,8 tỷ đồng) tiền thưởng, là người chơi LMHT kiếm được nhiều tiền nhất, theo Esports Earnings.
Trên sóng livestream (phát trực tuyến) vào năm ngoái, CEO T1 Joe Marsh từng khẳng định: “Faker có rất nhiều tiền. Cậu ấy có những sự đầu tư rất mạnh tại Hàn Quốc. Cậu ấy sở hữu một tòa nhà tên Faker Tower với văn phòng công ty ở tầng cao nhất và nó đắt đỏ lắm đấy”.
Dù thu nhập “khủng”, Faker có lối sống khá đạm bạc. Trong cuộc phỏng vấn với Sports Chosun năm 2016, ngôi sao LMHT tiết lộ, anh chỉ tiêu không quá 10.000 won/tháng (hơn 194.000 đồng).
“Khi tôi còn nhỏ, gia đình nghèo khó, giờ tôi cũng không thấy có gì khác lắm. Tôi đưa hết tiền lương và tiền thưởng cho bố quản lý. Khi tập luyện, tôi không có thời gian để tiêu tiền. Tôi không thích ăn vặt, không thích sắm quần áo mới. Tôi cũng không có bạn gái”, anh tiết lộ.
Khi tập luyện, tôi không có thời gian để tiêu tiền. Tôi không thích ăn vặt, không thích sắm quần áo mới. Tôi cũng không có bạn gái.
Sự “một lòng một dạ” của Faker với T1 cũng là lý do khiến anh được yêu mến. Khi còn là tuyển thủ tự do, anh từng nhận được lời đề nghị 20 triệu USD (khoảng 487 tỷ đồng) từ một số đội eSport Trung Quốc, nhưng anh từ chối tất cả để ở lại Hàn Quốc.
Cũng bởi thế, chẳng ai tưởng tượng nổi cảnh Faker rời T1 sẽ ra sao. Rất có thể, sau khi giải nghệ, anh sẽ được bổ nhiệm vào một vị trí trong ban lãnh đạo công ty.
Thế nhưng, Faker ấp ủ một dự định khác khi không còn thi đấu LMHT chuyên nghiệp. Đó là học về thần kinh.
“Rất nhiều lần, tôi tự hỏi vì sao bản thân chơi LMHT giỏi, nhưng tôi chỉ tìm được câu trả lời là do trời phú. Tôi nghĩ phải có điều gì trong bộ não tạo ra điều đó. Đấy là lý do tôi muốn nghiên cứu”, anh nói.
Faker là vậy, luôn điềm tĩnh và khiêm nhường. ESPN từng gọi Faker cùng đạo diễn Bong Joon Ho, cầu thủ bóng đá Son Heung Min và nhóm nhạc BTS là “bộ tứ ưu tú” của Hàn Quốc. “Quỷ vương bất diệt” cũng được coi là báu vật quốc gia.
Khi nghe lời khen ngợi đó, Faker chỉ khiêm tốn đáp: “Tôi rất vinh dự khi được gọi là báu vật quốc gia. Tôi nghĩ không chỉ có nỗ lực, mà cả vận may và sự yêu mến từ công chúng cũng góp phần quan trọng. Tôi không nghĩ mình tuyệt vời đến thế”.
Faker ấp ủ dự định học về thần kinh sau khi giải nghệ để tìm hiểu lý do giúp mình chơi giỏi LMHT (Ảnh: Riot Games).
Dù Faker vĩ đại là thế nhưng mới đây, nhà báo Đức Nguyễn lại bất ngờ chê bai huyền thoại Esports này: ‘Faker chỉ là thằng trẻ trâu nghiện game chưa học hết cấp 3, nó có gì ghê gớm mà người ta nâng bi như idol chứ’