Công Phượng có động thái đặc biệt, sự ‘cứng đầu’ sẽ mở lại cửa lên ĐT Việt Nam
Có không ít ý kiến cho rằng Công Phượng “cứng đầu” khi cố xuất ngoại, cố trụ lại Nhật Bản dù cả năm qua không được thi đấu. Song sự “cứng đầu” ấy biết đâu sẽ đổi lại ngọt ngào?
Những ngày qua, tương lai Công Phượng trở thành đề tài rất “nóng”. Việc CLB của Công Phượng ở Nhật Bản, Yokohama FC rớt khỏi giải J.League 1 khiến nhiều người cho rằng, Công Phượng nên trở lại V.League để tìm một bến đỗ khác thích hợp hơn, nơi chân sút này có thể được thi đấu thường xuyên hơn.
Cũng đã có những tin đồn, cho rằng hàng loạt CLB V.League, như HAGL, CLB CAHN, Nam Định, Bình Dương, CLB TP.HCM… sẵn sàng dang tay chào đón Công Phượng.
Nhưng trước tất cả những tin đồn, Công Phượng chỉ im lặng. Ngay cả khi Yokohama FC trong giai đoạn “ngàn cân treo sợi tóc” vì sắp xuống hạng (hiện CLB này đã chính thức xuống hạng sau thất bại 1-2 trước Kashima Antlers hôm 3/12), Công Phượng vẫn tỏ ra bình thản.
Ngày 2/12, Công Phượng đã cho thấy tâm thế “bất biến” giữa khó khăn bằng cách đăng tải bức ảnh mình đang thư giãn trong phòng thay đồ của CLB xứ Mặt trời mọc và được đồng đội quay lại.
Công Phượng vẫn đang rất thoải mái ở Yokohama FC.
Dù thông điệp từ bức ảnh này không thật sự rõ ràng nhưng có thể hiểu thông qua nó, Công Phượng như muốn khẳng định, anh vẫn đang thoải mái ở Yokohama FC. Kết hợp với việc cách đây không lâu, Công Phượng từng khuyên Văn Toàn không nên vội về V.League mà nếu có rời Seoul E-Land FC, hãy thử tìm một bến đỗ khác vẫn ở nước ngoài. Từ đó, có thể thấy Công Phượng nhiều khả năng vẫn sẽ ở lại Yokohama FC.
Vậy quyết định ở lại Yokohama FC của Công Phượng lúc này có hợp lý, hay là sự “cứng đầu” mà nhiều người đang tranh cãi?
Quả là gần 1 năm qua, Công Phượng hầu như không được Yokohama FC sử dụng. Nhưng khi CLB này xuống hạng, đồng nghĩa việc nhiều trụ cột chất lượng có thể sẽ ra đi. Khi đó, cơ hội cạnh tranh vị trí của Công Phượng cũng sẽ cao lên. Và việc Công Phượng vẫn ở lại khi đội bóng khó khăn, chắc chắn ít nhiều cũng ghi điểm “thiện cảm” với đội bóng xứ Mặt trời mọc.
Về mặt chuyên môn, Công Phượng có thể chưa được CLB Nhật Bản trọng dụng song anh vẫn được nhiều đồng đội quý mến.
Nếu Công Phượng có cơ hội thi đấu và tận dụng được, để chiếm một vị trí vững chắc tại Yokohama FC, mọi thứ có thể biến đổi rất nhanh. Phong độ ổn định trở lại, tin rằng không có lý do gì, HLV Troussier không triệu tập Công Phượng lên ĐTVN.
Cần biết trước đó, HLV Troussier vẫn rất ưu ái tạo cơ hội cho Công Phượng. Và ngay cả khi phong độ không tốt, màn trình diễn tổng thể chưa hay, Công Phượng vẫn cho thấy khả năng “sát thủ” của mình bằng việc ghi 1 bàn vào lưới Palestine.
Nói như chuyên gia Vũ Mạnh Hải thì: “Công Phượng thì khác, toàn năng hơn (Tiến Linh, Văn Toàn). Cậu ấy có khả năng đi bóng qua người rất hiệu quả, hơn hẳn 2 người kia. Nếu Công Phượng tìm lại được phong độ thì sẽ chơi rất tốt. HLV Troussier khi đó sẽ không thể từ bỏ cầu thủ như vậy. Lúc đó sẽ chỉ xem ông Troussier đánh giá, dùng người ra sao thôi”.
Bàn chuyện theo khía cạnh tích cực là vậy. Nhưng đừng quên trong quá khứ, Công Phượng từng thất bại khi chơi ở một CLB hạng 2 Nhật Bản, là Mito HollyHock. Nói thế để biết, cơ hội cạnh tranh vị trí cho Công Phượng sẽ mở ra song cũng vẫn rất khó khăn. Giải hạng 2 Nhật Bản vẫn có chất lượng cao so với mặt bằng V.League.
Song nói ngược nói xuôi, quyết định cuối cùng là ở Công Phượng mà! Thôi thì dù thế nào đi nữa, chúng ta hãy cổ vũ Công Phượng, để ngôi sao của bóng đá Việt Nam có thể chân cứng đá mềm, vượt qua những thách thức. Nên nhớ, nếu Công Phượng xuôi chèo mát mái, bóng đá Việt Nam sẽ được lợi. Còn khi Công Phượng sa sút, bóng đá Việt Nam đâu vui vẻ gì!