Bầu Đức: ‘U22 hiện tại không có tài năng nổi trội, bọn trẻ còn kém xa lứa Công Phượng’

Bầu Đức: ‘U22 hiện tại không có tài năng nổi trội, bọn trẻ còn kém xa lứa Công Phượng’

Bầu Đức cho rằng U22 Việt Nam chinh chiến ở SEA Games 32 thiếu và yếu hơn thế hệ đàn anh đỉnh cao về nhiều mặt.

“Các cầu thủ cần thời gian để cải thiện. Rất nhiều cầu thủ thiếu kinh nghiệm thực chiến”, HLV Philippe Troussier lý giải nguyên nhân thất bại của U22 Việt Nam. Đây không phải lần duy nhất nhà cầm quân người Pháp nói về vấn đề kinh nghiệm của các học trò.

Vấn đề mà ông Troussier chỉ ra có lẽ không phải chuyện biện minh hay đổ lỗi. Đó là vấn đề thực tiễn xảy ra ở U22 Việt Nam, với lứa cầu thủ sinh sau năm 2001. Phải thừa nhận thực tế rằng thế hệ cầu thủ sinh năm 2001-2002 là lứa cầu thủ bị “hẫng” sau thời kỳ lên đỉnh của các đàn anh trước đó. Về mặt năng lực, không có cầu thủ nào của nhóm này đạt đến trình độ của Quang Hải, Văn Hậu, Thành Chung, Việt Anh ở cùng độ tuổi.

Điều này dẫn tới vấn đề thứ hai, họ không thể cạnh tranh được với các đàn anh đang ở độ tuổi đỉnh cao. Đó là lý do những cầu thủ như Huỳnh Công Đến chỉ có thể dự bị ở V-League hoặc thi đấu ở giải Hạng Nhất với chất lượng chuyên môn kém hơn hẳn.

Số cầu thủ U22 Việt Nam có kinh nghiệm thi đấu trên 10 trận ở V-League chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là Lương Duy Cương, Hồ Văn Cường, Đinh Xuân Tiến và Phan Tuấn Tài. Một số cầu thủ khác được ra sân ở đấu trường chuyên nghiệp hạng cao nhất nhưng chỉ với số phút thi đấu ít ỏi, mang tính chất làm quen bầu không khí của sân chơi này.

 

Không được thi đấu ở cấp độ V-League, trải nghiệm thi đấu giải trẻ quốc tế của lứa Huỳnh Công Đến, Lê Văn Đô cũng hạn chế. Các giải châu Á giai đoạn 2020-2021 bị hoãn, hủy. Họ có cơ hội ở giải U23 Đông Nam Á diễn ra đầu năm 2022, tuy nhiên, đó là giải đấu mà U23 Việt Nam (sử dụng lứa cầu thủ sinh năm 2001-2002) phải thay gần hết lực lượng.

So với thế hệ đàn anh giành huy chương vàng cách đây một năm, U22 Việt Nam hiện tại rõ ràng non hơn hẳn. Ở SEA Games 31, lực lượng U22 Việt Nam dù không được đánh giá cao bằng lứa Quang Hải giành huy chương vàng năm 2019.

Tuy nhiên, những cầu thủ như Lê Văn Xuân, Nguyễn Thanh Bình, Dụng Quang Nho, Nhâm Mạnh Dũng, Nguyễn Văn Toản, Bùi Hoàng Việt Anh, Lý Công Hoàng Anh được thi đấu ở V-League và ăn tập trong một thời gian dài ở đội tuyển quốc gia. Đó là chưa kể tới sự góp mặt của 3 trụ cột trên 23 tuổi, gồm 2 Quả Bóng Vàng Việt Nam và tiền đạo chủ lực của đội tuyển (Hùng Dũng, Tiến Linh, Hoàng Đức).

So với lứa vô địch SEA Games năm 2019 của Quang Hải, Văn Hậu, U22 Việt Nam hiện tại thua kém toàn diện.

 

Việc thiếu trải nghiệm thi đấu đỉnh cao là vấn đề vừa mang tính chủ quan, vừa có tính khách quan. Các cầu thủ trẻ ít được tạo cơ hội, nhưng cũng phải nhìn lại rằng năng lực của họ không đủ tốt để cạnh tranh với các đàn anh (vốn là thế hệ xuất sắc nhất trong nhiều năm qua của bóng đá Việt Nam).

Đây là điều tất yếu xảy ra với lứa cầu thủ liền sau thế hệ đỉnh cao, ở mọi nền bóng đá. Trên thực tế, điều này được giới chuyên môn nhìn ra từ cách đây vài năm. HLV Philippe Troussier chưa tìm ra cách khắc phục hiệu quả và U22 Việt Nam không hoàn thành nhiệm vụ ở SEA Games 32.

 

‘Lứa Công Phượng vẫn là thế hệ tài năng nhất Việt Nam, U22 hiện tại kém xa lắm’, Bầu Đức chia sẻ với truyền thông.