BLV Đặng Phương Nam: ‘U22 Việt Nam trình diễn bộ mặt đáng xấu hổ, không đủ tư cách đi tiếp’

BLV Đặng Phương Nam: ‘U22 Việt Nam trình diễn bộ mặt đáng xấu hổ, không đủ tư cách đi tiếp’

Chiều 13-5, đội U-22 Việt Nam đã thua U-22 Indonesia tại bán kết SEA Games 32 theo một kịch bản đến khó tin khiến nhiều người ấm ức. Tuy nhiên, phải chấp nhận như cách nói của bình luận viên Đặng Phương Nam: “U-22 Việt Nam không xứng đáng để đi tiếp!”.

Người hâm mộ đã quen với những chiến thắng tại SEA Games kể từ khi HLV Park Hang-seo dẫn dắt bóng đá Việt Nam (VN). Và thói quen đấy được áp đặt vào thế hệ U-22 kế thừa những gì lứa đàn anh mình để lại qua hai kỳ SEA Games gần nhất.

Khoảng trống sau khi HLV Park Hang-seo chủ động chia tay

Khác biệt của một thế hệ cầu thủ cộng với khác biệt từ tư duy của một ông thầy người Pháp nhưng với sự đòi hỏi và kỳ vọng của người hâm mộ như hai kỳ SEA Games trước thì không hề khác.

Trong rất nhiều bình luận sau thất bại của U-22 VN tại bán kết, tôi thích nhất cách đánh giá của bình luận viên Đặng Phương Nam trên VTV Cap – On Football: “Công bằng mà nói thì chúng ta không xứng đáng để đi tiếp”. Đánh giá đấy ngắn gọn nhưng đầy đủ hơn tất cả đánh giá như vị trí này yếu, cầu thủ này không hay hoặc HLV Troussier kém… cùng hàng loạt câu hỏi bắt đầu bằng chữ tại sao.

 

Đã có rất nhiều phép so sánh như thể tìm ra một nhân vật để trút giận và đổ tội thì hầu như HLV Troussier là người bị chỉ trích nhiều nhất, đặc biệt là khi so sánh ông với người tiền nhiệm Park Hang-seo. Thậm chí còn có những dòng bình luận chỉ trích cho rằng chúng ta ngộ nhận nên bỏ HLV Park Hang-seo mà tìm đến ông thầy châu Âu với biệt danh “phù thủy trắng” từng đưa nhiều quốc gia vào vòng chung kết World Cup.

Thực tế VFF không bỏ ông Park Hang-seo mà cái chính là không thể tìm được thỏa thuận tiếp theo. Nói đúng hơn là ông Park Hang-seo và đại diện của mình rất khôn ngoan, biết điểm dừng sau một chu kỳ thành công của một thế hệ cầu thủ và phía sau là một khoảng trống.

Không xứng đáng nhưng không có nghĩa là mất tất cả

Hai lần trước, khi VN đăng quang SEA Games có bao nhiêu cầu thủ từng vô địch AFF Cup, từng chơi ở Asian Cup, ở vòng loại World Cup và từng là trụ cột ở CLB đá V-League? Ít nhất cũng hơn nửa đội hình và đều là những trụ cột giữ nhịp cho lối chơi toàn đội. Khác hẳn với SEA Games 32, hiếm hoi mới có cầu thủ được ra sân thường xuyên ở V-League, trong khi ở đội Indonesia thì tất cả đều được đá ở Liga 1, giải nhà nghề cao nhất Indonesia.

Một so sánh nhỏ để thấy U-22 VN phải lấy những cái thiếu rất lớn của mình, trong đó có kinh nghiệm trận mạc để bảo vệ mục tiêu vô địch của đàn anh.

30 giây trước bàn thua 3-2 ở phút 90+6, người xem còn thấy ông Troussier bước ra sát đường biên làm động tác như năn nỉ các cầu thủ trẻ phải chậm lại thì trên sân các học trò của ông lại muốn kết thúc trận đấu sớm trong thế 11 đánh 10. Sự vội vã với tư tưởng hơn người và đè họ toàn diện thì thắng sớm tốt hơn vào hiệp phụ mới thắng đã bị trả giá. Đường chuyền hỏng của cầu thủ vào sân ở hiệp 2 tạo điều kiện cho bốn cầu thủ Indonesia cầm bóng phản công nhanh với bài bốn đánh sáu và kết thúc bằng bàn quyết định. Bàn thắng hạ gục tất cả nỗ lực của U-22 VN đồng thời chỉ ra những sai sót của một đội đương kim vô địch nhưng “không xứng đáng để đi tiếp”.

 

Điều đáng lo nhất là một tập thể “không xứng đáng để đi tiếp” nhưng vẫn tiếp tục đi và đương nhiên sẽ khỏa lấp đi tất cả phần yếu và thiếu. Nó cũng giống với thời gian bóng đá VN chỉ hả hê với những chiến thắng ở AFF Cup và SEA Games thì tuyến dưới có một lỗ hổng lớn trong đào tạo trẻ mà hào quang ở trên che lấp.

Chấp nhận những gì mình đang có để khắc phục và nâng tầm, trong đó có cả những gì rút ra từ thất bại sẽ hợp lý và dễ hơn là sự ngộ nhận từ hào quang mà thế hệ trước để lại khi tuyến kế thừa chưa bắt kịp.