CLB Sông Lam Nghệ An: Chương mới trong việc “xuất khẩu” cầu thủ
Trong lúc nhiều đội bóng ở V-League đăng ký cầu thủ trẻ cho có, CLB Sông Lam Nghệ An (SLNA) tiếp tục trình làng dàn nội binh với 27 thành viên đều trưởng thành từ lò đào tạo SLNA ở mùa giải 2024 – 2025.
SLNA tiếp tục gây ngạc nhiên ở mùa giải năm nay khi giảm độ tuổi trung bình toàn đội xuống còn 21,9 (mùa giải 2023 – 2024 là 22,7). Đội bóng chấp nhận bỏ qua thành tích, hướng đến việc trụ hạng nhằm tạo điều kiện tốt nhất để tất cả cầu thủ trẻ của mình được trải nghiệm không khí V-League.
Chất lượng làm nên bản sắc
Kết thúc V-League 2023 – 2024, SLNA xếp thứ 12/14 nhưng có 14 cầu thủ trẻ được ra sân tổng cộng 134 lần. Họ có mùa giải thứ hai liên tiếp được vinh danh “CLB đào tạo trẻ tốt nhất”. Đó là minh chứng rõ ràng cho định hướng phát triển mà SLNA theo đuổi từ bấy lâu.
Đầu mùa giải 2024 – 2025, SLNA đón về 16 cầu thủ sau khi họ hết hợp đồng cho các CLB khác mượn. Sự dồi dào các vị trí cùng việc cạnh tranh cao buộc CLB phải tính toán về mặt con người. Theo đó, nhiều cầu thủ hết hợp đồng đào tạo sau 25 tuổi buộc phải ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do.
Với 7 cấp độ đội trẻ từ U9 đến U21 do Trung tâm đào tạo trẻ SLNA tuyển trạch và quản lý, lực lượng của CLB luôn luôn có lớp kế thừa. Không chỉ đủ dùng cho CLB, SLNA còn gửi cho mượn hoặc được hỏi mượn từ các đội bóng từ Giải hạng nhất đến V-League.
Từ đây, nhiều cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo SLNA dần trở thành trụ cột ở nhiều đội bóng V-League. Mùa giải 2020, 11/14 đội bóng ở V-League có cầu thủ Nghệ An trong danh sách đăng ký.
Phan Văn Đức trong màu áo Công An Hà Nội – Ảnh: VFF
Xuất khẩu cầu thủ đi xa hơn
Nhìn xa hơn, càng nhiều cầu thủ SLNA được thi đấu, cơ hội để họ thể hiện và lọt vào danh sách các đội tuyển trẻ quốc gia càng cao. Biết rằng nếu chơi tốt sẽ có thu nhập cao, các cầu thủ trẻ SLNA luôn vào sân với một tinh thần thép.
Đó là bản sắc và cũng là điều mà các HLV đánh giá cao những cầu thủ của lò SLNA. Và điều này cũng giúp bất kỳ đợt tập trung đội tuyển quốc gia nào, trong danh sách cũng có cầu thủ từ lò SLNA. Ở cấp độ đội tuyển Việt Nam, những Quế Ngọc Hải, Nguyễn Văn Hoàng, Phạm Xuân Mạnh hay Phan Văn Đức luôn được các HLV đặt niềm tin.
Tuy nhiên, việc “xuất khẩu” cầu thủ SLNA sang các đội bóng V-League theo cách không có lợi nhuận như hiện tại không phải là hướng lâu dài mà CLB hướng đến. Điều này do sau 25 tuổi, hầu hết các cầu thủ ra đi theo dạng tự do mà CLB chủ quản không thu được giá trị lợi ích sau khi đào tạo.
Vì vậy, việc ký kết hợp tác toàn diện với CLB Mito Mollyhock của Nhật Bản có thể sẽ mở ra cho SLNA một chương mới trong việc có thể đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Đó cũng là mục tiêu mà tân giám đốc kỹ thuật người Nhật của SLNA, ông Hideaki Shouji, hướng đến sau khi chính thức ra mắt SLNA từ mùa giải 2024 – 2025.
“Trong tương lai gần, tôi muốn đưa cầu thủ SLNA sang thi đấu ở Nhật Bản như sự hợp tác của đội với CLB Mito Hollyhock hiện nay. Ngoài ra, các cầu thủ trẻ sẽ có cơ hội sang Nhật Bản tập huấn và nâng cao chất lượng chuyên môn”, ông Hideaki Shouji nói.