Fan Arsenal chưa hết cay cú vụ Chelsea lừa bán Kai Havertz 65 củ: ‘Chè xanh khôn lỏi lừa bán Kai công chúa, ăn một đống hoa hồng’

Fan Arsenal chưa hết cay cú vụ Chelsea lừa bán Kai Havertz 65 củ: ‘Chè xanh khôn lỏi lừa bán Kai công chúa, ăn một đống hoa hồng’

HLV Mikel Arteta rõ ràng đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào Kai Havertz. Nhưng những gì mà cầu thủ người Đức đã thể hiện từ đầu giải khiến người ta phải đặt câu hỏi: Cơ sở cho những kỳ vọng ấy là gì? Trong những ngày qua, fan Arsenal chưa hết bức xúc vụ The Blues lừa bán Kai Havertz.

Kai Havertz không phải là bản hợp đồng đắt giá nhất của Arsenal ở mùa giải này. Anh “chỉ” khiến Pháo thủ tiêu tốn có 65 triệu bảng, hơn một nửa so với số tiền họ phải bỏ ra để mua Declan Rice. Tuy nhiên, nếu xem cả Rice lẫn Havertz đều như những “canh bạc”, thì canh bạc mang tên Havertz ẩn chứa nhiều rủi ro hơn hẳn, dù chi phí thấp hơn.

Lý do khá đơn giản. Rice đến Arsenal ở giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp, được nhiều ông lớn theo đuổi, do đó có được anh giống như là một chiến thắng của Arsenal. Ngược lại, Havertz tới Emirates sau một mùa giải đầy thất vọng trong màu áo Chelsea, có thể nói là thất vọng nhất của cá nhân cầu thủ người Đức từ khi bắt đầu sự nghiệp. Khi hỏi mua Havertz, Arsenal không vấp phải bất kỳ sự cạnh tranh nào. Số tiền 65 triệu bảng mà họ bỏ ra cho anh, vì thế, tạo ra nhiều cái nhướng mày.

Nếu Havertz là một canh bạc, thì đâu là cửa thắng cho Arteta? Có thể là sự tự tin của vị HLV người Tây Ban Nha vào khả năng phát hiện và khai thác tối đa điểm mạnh của các cầu thủ. Nếu Arteta có thể biến một Granit Xhaka “dở ông dở thằng” ở vị trí tiền vệ trụ thành một ngôi sao ở vị trí số 8, thì không có lý gì ông lại không làm được điều tương tự với Havertz, người được đánh giá là tài năng hơn hẳn cầu thủ người Thụy Sỹ.

Triển vọng là thế, nhưng sau những lượt chia bài đầu tiên, trong tay Arteta toàn những quân xấu. 4 trận Premier League mùa này, Havertz đều được ra sân – một sự khẳng định cho niềm tin mà Arteta dành cho anh. Nhưng cả 4 trận, anh đều gây thất vọng. Havertz đang bị xem là một phiên bản lỗi của người đàn anh đồng hương Mesut Oezil, vì tạo ra cảm giác anh có thừa sự uể oải, lười biếng, nhưng lại thiếu sự sáng tạo và những khoảnh khắc thiên tài.

Ở trận đấu với Fulham, các CĐV của Arsenal thậm chí còn la ó huýt sáo sau khi Havertz lựa chọn chuyền bóng an toàn dù phía trước có đầy khoảng trống. Không lâu sau đó, Arteta cũng phải rút Havertz khỏi sân. Đến trận gặp MU, Kai bỏ lỡ nhiều tình huống mười mươi khiến fan bức xúc.

Havertz chưa chứng minh được giá trị

Havertz chưa chứng minh được giá trị

OK, Havertz chưa bao giờ là một cầu thủ giỏi ghi bàn. Điểm mạnh của anh là những pha di chuyển và pressing khi không có bóng. Tuy nhiên, vấn đề là rất khó kiểm chứng độ hiệu quả của cách chơi này, và cơ bản thì phần đông các CĐV sẽ không nhận ra hay quan tâm. Nhưng sự thiếu hiệu quả, đúng hơn là kém liên quan, của Havertz khi có bóng thì thấy rõ.

Trong cả 4 trận đấu, anh đều là tiền vệ nhận bóng ít nhất, và ở hiệp một trận gặp Crystal Palace cũng như trận gặp Fulham, anh đều là cầu thủ Arsenal chạm bóng ít nhất (không tính thủ môn). Đó là điều khó chấp nhận được với một cầu thủ chơi ở vị trí số 8 trong một đội bóng ưa kiểm soát như Arsenal.

Trong những ngày qua, fan Arsenal chưa hết bức xúc vụ The Blues lừa bán Kai Havertz. Nhiều CĐV tỏ ra bức xúc trên mạng xã hội:
‘Chè xanh khôn lỏi lừa bán Kai công chúa, ăn một đống hoa hồng’.
‘Hết sút hụt rồi chuyền hời hợt và mất bóng, đến ạ với công chúa’.
‘Arteta bảo thủ và có lẽ biết đã hớ ở thương vụ Kai, nên cố gắng cho đá để mong vớt vát đc chút hi vọng mong manh còn xót lại’.